Ngân hàng số trong lòng bàn tay – Phần 7

Phần 7: Chân dung Giám đốc Chuyển đổi số – CDO

Công ty bạn dùng một chiếc xe bò để vận chuyển thuê hàng hoá. Một ngày nọ, Ban giám đốc nhận ra rằng phải gắn động cơ để có thể cạnh tranh tốt hơn trong tương lai. Ai sẽ người sẽ gánh trọng trách này?

Trong thực tế, sau khi đầu tư đủ cho các ứng dụng lõi phục vụ cho nghiệp vụ, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian và nguồn lực hơn để tập trung vào việc chuyển đổi số.

Quá trình chuyển đổi số thường trải qua một số bước:

– Nhận thức. Tức là trả lời “What và Why?” – Chuyển đổi số là gì và tại sao phải chuyển đổi số. Tất nhiên điều này phụ thuộc vào tầm nhìn của Ban giám đốc. Nếu tầm nhìn ngắn hạn hoặc không thấy được giá trị thì sẽ không có chuyển đổi số. Thì “Hết câu chuyện tại đây” – tiếp tục dùng xe bò.

– Chiến lược. Khi đã xác định nhận thức thì sẽ tìm hiểu “How và When”. Thường thì nhà giàu sẽ thuê các công ty tư vấn chiến lược, cao cấp sẽ là BCG, McKinsey, OliverWyman hoặc thấp hơn một chút là PwC hay Deloitte. Các công ty này sẽ tìm hiểu hiện trạng và đưa ra lộ trình tổng thể với các mốc thời gian. Việc Chuyển đổi số thường sẽ là một phần hoặc toàn bộ của chiến lược này. Chi phí cho tư vấn từ vài triệu tới vài chục triệu Trump, kết quả là một tài liệu dài vài trăm trang. Nhận tiền, giao tài liệu, vỗ tay, chụp hình lên báo là xong nhiệm vụ của công ty tư vấn.

– Hiện thực. Nói thì dễ, làm mới khó. Hai phần trên đã dành hết phần dễ. Bao nhiêu chua cay đắng chát bắt đầu từ đây. Hiện thực gồm 2 phần: quy trình (phần hồn) và ứng dụng (phần thịt). Sự thay đổi này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề: thay đổi văn hoá, đòi hỏi nâng cấp trình độ bản thân, thay đổi quyền lợi (cắt giảm nhân sự), quan hệ trách nhiệm chồng chéo giữa các phòng ban trong quá trình triển khai…đó là chưa kể đến việc lựa chọn nhà cung cấp phần “thịt” cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tóm lại là khả năng thất bại rất cao nếu không có người đủ khả năng.

Lấy một ví dụ, tư vấn chuyển đổi số của BCG (Boston consulting group) thường tập trung vào 4 nhánh: tương tác khách hàng, tổ chức nhân sự, công nghệ và dữ liệu, vận hành. Kết nối với các ứng dụng, phần thịt sẽ cần CRM, HRM, ERP và các nền tảng chung về dữ liệu và công nghệ để kết nối 3 phần này. Ai là người đủ kiến thức và bản lĩnh để bao quát tất cả? CMO, CHRO, COO hay thậm chí CIO, một khi đã quá tập trung vào chuyên môn của mình, các CxO trên chỉ giỏi 1-2 chứ không thể giỏi hết 4 môn trên cùng lúc.

Tôi từng gặp nhiều doanh nghiệp và ngân hàng, 3-5 năm sau khi có tư vấn chiến lược tổng thể triệu đô vẫn dẫm chân tại chỗ ở bước hiện thực. Kết quả là bỏ đi làm lại từ đầu, chấp nhận tốn tiền và thời gian vì 2-4 năm là chiến lược đã không còn phù hợp. Quá Lãng phí!

Trong bối cảnh kể trên, chúng ta chờ đợi một nhân vật xuất hiện để thay đổi tất cả….

Vâng. Một tràng pháo tay để chào mừng sự xuất hiện của Mr. CDO – giám đốc Chuyển đổi số

CDO được kỳ vọng là một người tín nhiệm của CEO, ngoài việc nhanh nhạy với xu hướng công nghệ, hiểu ngành, thông thạo các bộ môn CRM, HRM, ERP, IT, còn khéo léo trong việc giao tiếp, vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn trong các mối quan hệ.

Tôi chưa được gặp nhiều CDO thực sự, có lẽ doanh nghiệp muốn nhưng tìm chưa ra. Một số có chức CDO, nhưng chỉ quản một số phần nhỏ nhỏ chứ không toàn diện như đúng nghĩa của nó.

Nếu “Chuyển đổi số” là mục tiêu, thì có ít nhất 3 lộ trình dẫn đến mục tiêu đó. Tuỳ vào sự quyết liệt của ban giám đốc, tuỳ vào sự cấp bách, tuỳ vào ngân sách, tuỳ vào tầm nhìn, tuỳ vào chiến lược phát triển…và nhiều thứ “tuỳ” khác, CDO phải chọn một lộ trình, và chịu trách nhiệm đối với quyết định đó. Trường hợp có các đơn vị tư vấn chiến lược, thì tiếng nói của CDO vẫn rất có sức nặng và ảnh hưởng trực tiếp tới “tư vấn” của các đơn vị tư vấn.

Bản chất của chuyển đổi số tập trung vào chuyển đổi 3 nhóm đối tượng: con người (văn hoá, mindset), quy trình và công cụ. Tuy nhiên lựa chọn một lộ trình phù hợp hay không sẽ quyết định rất lớn đến sự thành bại của cả chiến lược.

– Phương án 1: Chuyển đổi số theo phương án “Big bang”. Làm lớn, làm tổng thể, làm toàn diện đồng thời. Điểm mạnh của phương án này là đảm bảo được sự đồng nhất, kiểu “waterfall” như trong thiết kế và triển khai phần mềm. Tôi đã từng tham gia một số thầu mua công cụ để chuyển đổi số theo kiểu BigBang và thấy rất nhiều bất cập. RFP (bảng liệt kê yêu cầu chức năng) như một nồi lẩu. Phòng bán hàng thích món mì xào Hải sản, Phòng Nhân sự thích món lẩu Nấm trong khi Phòng Tài chính lại muốn ăn Gà tiềm thuốc Bắc. Phòng IT trong khi được các phòng ban trông chờ sẽ tạo ra công thức cho một món mà tất cả đều thích, hoá ra chỉ biết nấu mì gói.

– Toang! Không có CDO chất lượng thì toang thật, ông Giáo ạ!

– Phương án 2: Middle-Out. Gần đây, phương án BigBang được xem là một phương án lỗi thời vì quá nhiều rủi ro (có nguồn thống kê là chỉ 11% thành công). Xu hướng là các doanh nghiệp chuộng kiểu linh hoạt – Agile hơn: nghĩa là chuyển đổi số theo phương án bắt đầu từ bên trong và gia tăng từ từ, chuyên ngành gọi là Incremental Middle-Out. Phương pháp này thật chất có 3 hình thái:

– Theo chiều ngang: tức là chuyển đổi số xuyên suốt nhiều phòng ban cho một quy trình hoàn thiện. Ví dụ như quy trình cho Vay trong ngân hàng (Loan Origination Process). Quy trình này chạy ngang từ bộ phận kinh doanh, tới thẩm định, phê duyệt, giải ngân, thu hồi…

– Theo chiều dọc: tức là chuyển đổi cho một phòng ban bộ phận nhất định nhưng trải rộng trên nhiều quy trình. Ví dụ bộ phận Kinh doanh được đầu tư CRM phân hệ Sales, tất cả quá trình liên quan đến Sales như giao chỉ tiêu, chăm sóc khách hàng, theo đuổi cơ hội bán, dự báo kinh doanh…đều được chuyển đổi.

– Trọn gói: chuyển đổi số toàn bộ, cả ngang lẫn dọc cho một Chi Nhánh hiện hữu. Hình thái này phù hợp với mô hình như ngân hàng, khi có Chi Nhánh có cấu trúc tương đối hoàn chỉnh. Ví dụ: chuyển đổi số bằng cách đầu tư CRM cho toàn bộ quy trình trong phân hệ bán hàng cho chi nhánh Bến Thành.

– Phương án 3: So với 2 phương án trên thì Phương án thứ này được xem là đột phá hơn hẳn: thành lập một công ty con, một ngân hàng mới với DNA là digital để cạnh tranh với chính doanh nghiệp hiện tại.

Nếu CDO chọn phương án 1, đó chính là một CDO bản lĩnh. Phương án 2 là CDO thông minh. Phương án 3 là CDO đẳng cấp.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top