Cái búng tay của Thanos
Nếu người đọc đủ già sẽ biết, chưa tới mười năm trước, ngành buôn bán phần cứng, server, thiết bị, hạ tầng mạng nhộn nhịp hơn chợ Bến Thành. Xóm trên bàn tán ngân hàng X ra thầu đầu tư mấy triệu đô mua server, xóm dưới bàn làm sao giải ngân cho đều tiền đề án ABC của chính phủ.
Giờ thì bớt rồi, bớt nhiều. Nghề buôn bán phần cứng ế ẩm, đầu tư co lại, nhân sự chuyển nghề, chứng chỉ quản trị mạng xếp xó.
Tất nhiên là bởi điện toán đám mây, bởi Cloud, bởi SaaS.
Tương tự phần cứng, sự thành công của mô hình phần mềm thuê bao còn tỉ lệ nghịch với sự phát triển, thậm chí làm cho suy tàn và chấm hết của nhiều ngành đang ngon ăn khác thời đó. Bởi vậy, nếu nói Cloud là cái búng tay của Thanos cũng không ngoa.
Sự vượt trội và ưu điểm của Mô hình thuê bao phần mềm đã trở nên hiển nhiên:
1. Không phải đầu tư hạ tầng hệ thống mạng, thiết bị. Đồng nghĩa với việc CAPEX coi như bằng 0. Thậm chí là chi phí để quản trị và duy trì, nâng cấp hạ tầng cũng bằng zero. Đây cũng chính là điểm mấu chốt làm cho ngành phần cứng bán cho doanh nghiệp mô tả bên trên lao dốc. Tất nhiên là riêng mảng phần cứng cho Datacenter lại theo Cloud phất lên.
2. Luôn kết nối. Chỉ cần có Internet là có thể truy cập. Các nhà cung cấp Cloud lớn đảm bảo một thời gian uptime rất lớn (thường trên 99.5%), trong khi các phần mềm cài đặt On Premise chẳng có đảm bảo gì sất. Nếu hệ thống phập phù, ảnh hưởng tới khách hàng, sụt giảm doanh số sẽ được biện minh bằng hàng chục lí do “khách quan” do ông IT trình báo. Chủ doanh nghiệp thường cũng chỉ tặc lưỡi cho qua.
3. Luôn cập nhật. Các hãng lớn cam kết 3-4 nâng cấp hàng năm, hãng nội địa cũng 1-2 lần. Mỗi lần nâng cấp là có hàng tá tính năng mới mà không phải trả thêm gì. Đây là sự khác biệt cực lớn. Những phần mềm tự cài đặt, phát triển có thể đáp ứng nhu cầu tại thời điểm ra yêu cầu, nhưng 2-3 năm sau đã lỗi thời.
4. Bảo mật hơn. Cái này hay à nghen. Nhiều người vẫn hoài nghi: dữ liệu tui đưa lên mạng sẽ dễ bị mất. Nhưng hỏi: bị mất như thế nào? Thì không trả lời được. Bài 3 tôi sẽ phân tích cụ thể hơn vấn đề này.
5. Tích hợp thuận lợi hơn. Cái này đúng với giải pháp Cloud hịn và sai đối với giải pháp Cloud rởm. Nôm na là giải pháp hịn đã chuyên nghiệp trong công tác đấu nối do đã tích hợp với nhiều giải pháp khác nên khi cần tích hợp với giải pháp nào cũng rẹt rẹt.
6. Giảm chi phí quản lý và vận hành. Thay vì phải quản lý và vận hành cả tảng băng, doanh nghiệp chỉ tập trung quản lí phần nổi trên mặt nước của tảng băng này. Điều này giúp doanh nghiệp có thời gian hơn để tập trung vào chuyên môn và nghiệp vụ. Nhìn vào hình minh họa sẽ thấy rõ, mô hình On Premise chỉ có 9% chi phí là nhìn thấy được, 91% còn lại phải CFO xịn mới thấy.
Và cũng tất nhiên, tôi không cổ suýt mù quáng cho Cloud hay nói Cloud là giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi nhu cầu. Khi đánh giá lựa chọn Cloud hay On Premise, cần so sánh nhiều yếu tố:
– Nhu cầu nghiệp vụ trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn
– Nhu cầu kỹ thuật: bao gồm tích hợp, bảo mật, cạnh hành, thời gian triển khai
– Chi phí đầu tư: bao gồm chi phí bản quyền, hạ tầng, nâng cấp, quản lý…
– Khả năng thành công của dự án: đối tác, nội bộ, nhà cung cấp…